Tổ yến có công dụng giúp bồi bổ cơ thể, lưu thông khí huyết. Nhưng việc sử dụng như nào cho đúng với loại sản phẩm đắt tiền này là điều không phải ai cũng biết.
Tổ yến được hình thành như thế nào?
Theo Lương y Đa khoa Bùi Hồng Minh (Hội Đông y Ba Đình) cho biết: yến sào là tổ của loài chim yến đã được chế biến theo tiêu chuẩn, quy cách và quy định. Đây là sản phẩm quý và có giá trị dinh dưỡng được xếp hàng bậc nhất hiện nay.
Chim yến đã dùng nước dãi của mình để làm tổ, tổ dính trên thành vách đá cheo leo ở ven biển. Cứ vào đầu tháng 4 hàng năm là thời điểm để người dân thu hoạch tổ đầu tiên, một năm sẽ thu hoạch 2 vụ vào tháng 4 và tháng 8.
Theo lương y Bùi Hồng Minh thì sản phẩm này quý là vì nó chỉ được lấy theo mùa cố định. Không chỉ vậy, nghề lấy tổ yến lại rất vất vả và nguy hiểm. Thợ lấy tổ yến không được làm giàn giáo cố định mà hết mỗi ngày là phải tháo đi do chim yến thường đi kiếm ăn từ sáng sớm và không về trước 20h, nếu như thấy những giàn giáo thì chúng sẽ sợ và không quay lại làm tổ tiếp nữa.
Trong thị trường Việt Nam yến sào có giá rất cao khoảng 50-60 triệu/kg.
Do nhu cầu tăng cao nên ngoài các sản phẩm được khai thác tự nhiên, ngày nay nhiều nhà đầu tư đã xây dựng mô hình nuôi yến trong nhà ở các tỉnh như: Cần Giờ, Tiền Giang, đảo Phú Quốc và các tỉnh ven biển với giá bán rẻ hơn, khoảng 30-40 triệu/kg.
chim yến được nuôi từ nguồn thức ăn thiên nhiên và được bảo vệ trước các dịch có hại như là : nấm mốc, các loại bọ, chuột, gián… nên tổ thường rất sạch mà không cần dùng tới những hóa chất tẩy rửa.
Yến sào loại nào quý nhất?
Theo PGS.TS Trần Đáng - Chủ tịch Hiệp hội Thực phẩm chức năng Việt Nam đã cho biết tùy vào thời gian khai thác tổ yến mà sản phẩm đem về sẽ được phân loại theo giá trị từ thấp đến cao thành 3 loại:
- Mao yến (có khá nhiều lông và có màu tro xám đen) là tổ làm lần đầu để đẻ trứng, hình dáng cong bán nguyệt, dài khoảng 6-10 cm, rộng 3-5 cm, mặt trong bám đá sợi xơ sần sùi, còn mặt ngoài cong xếp hình sóng lượn, chất cứng giòn và dễ gãy vỡ, chỗ gẫy trong như chất sừng. Mỗi tổ yến nặng khoảng 10 g. Loại này có giá trị kém.
- Bạch yến (hay còn gọi là quang yến): có màu trắng tinh, trong suốt, thỉnh thoảng có lẫn lông , hình dáng giống như mao yến. Loại này là tổ làm lần 2 sau khi yến đã bị lấy tổ lần đầu. Loại này phẩm có chất rất tốt.
- Huyết yến: hình dáng, hình thức giống như bạch yến, chỉ khác là có một số sợi xơ màu tiết đỏ nâu. Nhiều người ta cho rằng do quá trình làm tổ gấp quá nên yến mẹ nhả dãi không đủ và phải dốc toàn lực ra nên đã bị xuất huyết. Loại này rất quý và hiếm nên có giá trị đắt nhất.
Ngoài ra, nhiều người còn có thể dựa vào màu sắc để phân biệt các sản phẩm như: yến thiên màu vàng ngà, trắng (loại 1), yến địa màu xám, xù xì hay màu tro (loại 2), yến bài là tổ yến đang làm dở chưa xong (loại 3).
vậy việc sử dụng yến như thế nào để phát huy tác dụng?
Trong yến sào có tỷ lệ rất cao của các axit amin cần thiết như: arginin, trytophan, histidin, cystin, tyrosin. Bên cạnh đó, trong sản phẩm này còn có chứa: glucid, tro (gồm phốt pho, sắt, mangan, kẽm). Không chỉ vậy còn có axit sialique có công dụng kích thích sự tăng sinh tế bào.
Yến sào có vị ngọt, tính bình, tác động vào 2 kinh phế bởi vậy mà chúng có tác dụng nuôi dưỡng phế âm, tiêu đờm, cầm ho và còn chữa cả các chứng bệnh lao lực, suy yếu, thậm chí cả sốt do ho lao, hen suyễn, bổ huyết.
Tổ yến còn được dùng để giúp phục hồi sức khỏe đối với người mới ốm dậy, người kém ăn, mất ngủ, giúp vết thương chóng lành. Liều dùng khoảng 5-10 g ( đem sắc uống) trước khi uống phải lọc qua.
Tổ yến rất tốt nhưng các chuyên gia đã khuyến cáo việc sử dụng tổ yến để tẩm bổ phải phụ thuộc vào thể trạng của từng người. Như lương y Hồng Minh cho biết đã có nhiều trường hợp do ăn không đúng cách hay sử dụng quá nhiều đã dẫn đến tình trạng rối loạn tiêu hóa, béo phì.
Đối vơi người già, người bệnh nếu dùng yến đều đặn thì chỉ nên dùng khoảng 70 ml/ngày. Ở bệnh nhân kèm theo các bệnh lý như: tiểu đường, mỡ máu, nếu như muốn bồi bổ yến một cách đều đặn và lâu dài thì phải tuân theo tư vấn của bác sĩ, không được tự ý sử dụng đề phòng trường hợp gây nên những biến chứng.
Lưu ý: “ Phụ nữ đang mang thai dưới 3 tháng, trẻ sơ sinh, người có thể trạng đàm thấp, béo phì, tay chân lạnh, huyết áp cao, … không nên sử dụng yến sào.